Menu
  • 087 633 8197
  • biovietnam.com.vn@gmail.com
  • 087 633 8197
  • biovietnam.com.vn@gmail.com

Chăm Dưa Hấu Đúng Cách Đạt Năng Suất Cao

Ngày đăng 6 Tháng Chín, 2024 Tác giả Chu Thơm

Chăm sóc dưa hấu đúng kỹ thuật là yếu tố then chốt để đạt năng suất cao và chất lượng trái tốt. Từ việc tưới tiêu, bón phân đến phòng trừ sâu bệnh, mỗi bước đều cần được thực hiện chính xác và kịp thời. Bằng cách áp dụng các biện pháp chăm sóc hiệu quả, bà con có thể đảm bảo dưa hấu phát triển khỏe mạnh, cho trái to, ngọt và đạt sản lượng tối ưu trong mỗi vụ mùa.

Thời vụ trồng dưa hấu

Thời vụ trồng dưa hấu thường được chia thành hai vụ chính trong năm. Vụ đông xuân bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, đây là thời điểm thích hợp cho cây sinh trưởng vì thời tiết khô ráo, ít mưa, giúp dưa hấu phát triển tốt và ít sâu bệnh. Vụ hè thu kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6, tuy nhiên, cần chú ý đến việc tưới tiêu và phòng tránh mưa lớn để đảm bảo cây không bị ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất.

Xử lý đất trồng dưa hấu

Việc làm đất kỹ trước khi trồng dưa hấu là yếu tố then chốt để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh, giúp hạn chế các vấn đề như thối rễ và lở cổ rễ. Một nền đất được chuẩn bị cẩn thận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng của cây, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng quả dưa hấu.

Đất trồng dưa hấu cần có tầng canh tác dày khoảng 30-50cm, tơi xốp, không nhiễm phèn, nhiễm mặn, dễ thoát nước. Dưa hấu được trồng chủ yếu trên đất ruộng hoặc đất gò, song phải đảm bảo đủ nước tưới vào mùa nắng.

Bộ đôi xử lý đất trồng cây của Bio Việt Nam

Bộ đôi xử lý đất trồng cây của Bio Việt Nam

Xử lý đất: Tiến hành trước khi lên luống 5 – 7 ngày. Rải vôi bột đều mặt ruộng với liều lượng khoảng 50 – 80kg/1000m2.

Có thể trồng luống đơn hoặc luống đôi, nhưng chủ yếu vẫn là luống đôi.

Trồng dưa vụ tết, cần trái lớn nên làm luống rộng, khoảng cách giữa 2 tim mương là 6 – 7m, bề rộng luống 1m, cao 30 – 40cm.

Mùa mưa thường trồng các loại dưa F1 có phẩm chất tốt, nhưng trái nhỏ. Do đó, để tăng năng suất nên làm luống có khoảng cách giữa 2 tim mương là 4 – 4,5m, bề rộng luống 80 – 90cm, cao 30 – 40cm.

Mặt luống được làm bằng phẳng, tránh lồi lõm giúp rễ phát triển lan rộng. Ở giữa luống hơi cao hơn hai bên mép để tiện cho việc tưới nước.

Bón lót: Bón 1 – 2 tấn phân chuồng đã ủ với TRICHODERMA (hoặc 80 – 100kg phân hữu cơ vi sinh) cho 1000m2. Sau đó trộn đều 30kg NPK 20-20-15 và 2kg HUMIINRICK rải đều mặt liếp để cân bằng pH và bổ sung vi sinh vật có lợi hạn chế thối rễ chết cây con.

Đậy màng phủ: Tưới đẫm nước trước khi phủ màng. Khi phủ phải kéo căng màng, hai bên mép ngoài được cố định bằng cách lấp đất xung quanh để tránh gió tốc. Sau đó, tiến hành đục lỗ trồng với khoảng cách 35 – 40cm.

Gieo trồng

Lượng hạt giống cần dùng cho trồng 1 ha là 0.6 kg, tùy theo hạt nhỏ hay hạt to. Ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) từ 4 – 5 giờ. Vớt hạt rửa sạch hết nhớt. Ủ hạt trong khăn bông 2 – 3 ngày ở nhiệt độ 28 – 30 độ C cho nứt nanh, đảm bảo đủ ẩm cho hạt. Sau đó đem gieo vào bầu, đặt hạt nằm ngang, rễ quay xuống dưới.

Túi bầu làm bằng plastic đường kính 10 cm, cao 10 – 12 cm hoặc có thể làm đơn giản bằng lá chuối cuộn. Đất trộn bầu gồm đất, phân chuồng mục, trấu tỉ lệ 6:4:1. Sau khi gieo hạt xong lấp lớp đất mỏng phủ hạt. Cần đề phòng chuột, kiến tha hạt. Tưới đủ ẩm, không nên tưới nhiều nước, cây dễ bị chết thắt vào mùa nóng.

Sau 3 ngày cây con mọc, mùa mưa cần che mưa cho cây con, để cây con nơi có nhiều nắng cho cây khỏe. Sau mọc 1 tuần vào mùa ấm có thể trồng ra đồng. Vụ Xuân, sau gieo khoảng 20 ngày có thể trồng được.

Khi cây con có 2 lá thật thì tiến hành trồng ra ruộng. Rạch túi bầu và đặt cây vào lỗ đục sẵn, lấp đất kỹ. Không nên trồng sâu quá, tưới đủ ẩm trong 3 ngày đầu.

Đảm bảo tốt nguồn nước tưới cho dưa hấu trong suốt thời gian phát triển

Đảm bảo tốt nguồn nước tưới cho dưa hấu trong suốt thời gian phát triển

Đảm bảo nước tưới cho vườn dưa hấu

Tưới nước cho dưa hấu cần thực hiện đúng cách để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh và quả đạt chất lượng tốt. Bà con có thể tưới tràn vào rãnh, để nước ngấm đều và tháo ngay sau đó, trong mùa khô nên tưới 1 lần mỗi tuần.

Sử dụng hệ thống tưới tự động vào sáng sớm hoặc chiều mát cũng là lựa chọn hiệu quả. Khi dưa có quả, cần tưới đều đặn, tránh tưới quá nhiều để không gây nứt quả, và nên ngừng tưới trước khi thu hoạch 5 ngày để đảm bảo quả ngọt và không bị thối.

Dinh dưỡng đủ đầy, dưa hấu đạt năng suất

Lượng phân sử dụng cho 1.000m2 là: 100 – 150 kg phân hữu cơ vi sinh
• Vôi 50 – 100kg.
• Super lân: 10kg
• NPK 13-13-0: 25kg + 11kg KCL + Ure: 15kg

Cách bón: toàn bộ phân chuồng + vôi + phân super lân + NPK (13-13-0), bón vào hốc hoặc trên mặt liếp.

Bón thúc: Chia ra 6 lần bón. Các lần bón như sau:

  • Lần 1: 7 – 10 ngày sau khi trồng bón cây hồi xanh hòa phân ure + kali với nước tưới quanh gốc. Lượng dùng pha chung Top One 500ml + 1 kg ure + 0,5 kg kali.
  • Lần 2: 15 ngày sau khi trồng hòa phân ure + kali với nước tưới quanh gốc. Lượng dùng 1 chai Top One 500ml + 2 kg ure + 1,5 kg kali.
  • Lần 3: Khi cây ra hoa, 20 – 25 ngày sau khi trồng bón ure + kali vào gốc, lấp đất. Lượng dùng 1 gói 25g Siêu tạo mầm hoa + 2 kg ure + 1,5 kg kali
  • Lần 4: Bón thúc nuôi trái sau khi thụ phấn, đậu trái lượng dùng 250ml Siêu đậu quả chống rụng + 3kg ure + 2kg kali. Hòa với nước tưới hay bón vào gốc.
  • Lần 5: 40 ngày sau khi trồng khi đậu trái lượng dùng 250ml Siêu đậu quả chống rụng + 2kg ure + 1,5kg kali. Hòa với nước tưới hay bón vào gốc.
  • Lần 6: Hòa kali hữu cơ bo với nước sạch. Phun 2 đợt trc thu hoạch 15 ngày (5-7 ngày phun 1 lần) với nước tưới gốc cho trái ngọt.

Sửa dây, tỉa nhánh

Khi dây dưa phát triển vòi (khoảng 20 ngày sau khi trồng), cần sửa và cố định cho dây bò song song trên mặt liếp, tránh quấn chồng lên nhau. Trước khi lấy trái, mỗi cây nên giữ lại 1 thân chính và 1-2 dây nhánh phụ (dây chèo).

Tỉa nhánh sớm khi chúng dài khoảng 5-7cm, bỏ hết các dây chèo và dây mọc sau. Có thể ngắt ngọn khi trái đã đạt chu vi khoảng 2 gang tay.

Úp nụ và tuyển trái

Úp nụ được thực hiện khi hoa trổ rộ (khoảng 35-40 ngày sau khi gieo), tập trung làm trong 7-8 ngày từ 7-9 giờ sáng. Tuyển trái tiến hành sau 40-45 ngày, mỗi dây nên để một trái để dưa phát triển to. Khi trái bằng trái chanh, chọn trái thứ 3 trên dây chính tại vị trí lá thứ 14-20, hoặc vị trí 20-24 nếu dây quá sung.

Nếu không chọn được trên dây chính, có thể chọn trái thứ 2 trên dây nhánh tại lá 8-14. Chọn những trái đầy đặn, cuống to, nhiều lông tơ và không sâu bệnh. Khi trái lớn bằng trái cam, kê rơm và sửa cho trái đứng để phát triển đều, thỉnh thoảng trở bề cho trái tròn và có màu vỏ đẹp.

Trồng dưa hấu cần phòng trừ sâu bệnh hại như nào?

Để phòng trừ sâu bệnh hại dưa hấu hiệu quả, bà con cần thường xuyên kiểm tra vườn, phát hiện sớm các loại sâu bệnh như rệp, bọ trĩ, nấm mốc, và thán thư. Biện pháp phòng ngừa chủ yếu là giữ vườn thông thoáng, cắt tỉa lá già, lá bị bệnh, và xử lý đất trước khi trồng.

Khi phát hiện sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng hoặc áp dụng biện pháp sinh học như thả thiên địch. Đồng thời, bà con cần chú ý bón phân cân đối để cây khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.

Thu hoạch

Dưa hấu nên thu hoạch khi đạt độ chín từ 80-90%, thường sau 60-70 ngày kể từ khi trồng, tùy thuộc vào điều kiện vận chuyển xa hay gần. Thời gian thu hoạch thường rơi vào khoảng 25-30 ngày sau khi kết thúc thụ phấn.

Trước khi thu hoạch, cần ngưng tưới nước 4-5 ngày để giúp dưa ngọt hơn, bảo quản được lâu và ít bị bể trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, cần ngưng tưới phân và phun thuốc 10 ngày trước khi thu hoạch để đảm bảo chất lượng trái.

Việc chăm sóc đúng cách từ giai đoạn trồng đến thu hoạch là yếu tố then chốt giúp dưa hấu đạt năng suất cao và chất lượng tốt. Bà con cần chú ý từ khâu tưới nước, bón phân, tỉa nhánh đến phòng trừ sâu bệnh một cách hợp lý.

Qua đó, không chỉ đảm bảo năng suất mà còn nâng cao giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường. Với sự kiên trì và chăm chỉ, bà con sẽ thu về những vụ dưa hấu bội thu, trái to, ngọt, và đều màu.